Uống gì để giảm mỡ máu nhanh? 9 gợi ý giúp loại bỏ mỡ xấu bớt cao


Mỡ máu là lượng chất béo trong máu bao gồm cholesterol và chất béo trung tính (Triglyceride). Một số người có tình trạng mỡ máu cao, làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và thậm chí là đột quỵ. Để cải thiện chỉ số mỡ máu, ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị y tế thì người bệnh còn cần phải xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học.

Tầm quan trọng của việc giảm mỡ máu xuống mức an toàn

Lối sống thiếu vận động, áp lực cuộc sống, cùng một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm chỉ số mỡ máu trong cơ thể tăng cao. Khi lượng cholesterol xấu (LDL) và triglycerid trong máu tăng, hình thành những mảng bám tích tụ trong các thành mạch máu, gây tắc nghẽn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, mỡ máu cao là một trong những yếu tố chính dẫn đến các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

xơ vữa động mạch

Việc giảm mỡ máu xuống mức an toàn không chỉ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra mà còn cải thiện chức năng tim mạch, tăng cường tuần hoàn máu và kéo dài tuổi thọ. Thông qua các biện pháp như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động và theo dõi chặt chẽ các chỉ số mỡ máu,… người bệnh có thể giảm thiểu rủi ro, từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch được tốt hơn.

Uống gì để giảm mỡ máu nhanh?

Việc lựa chọn đúng loại thức uống không chỉ giúp hạ mức cholesterol xấu (LDL) mà còn hỗ trợ tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó cân bằng lipid trong cơ thể. Dưới đây là một số gợi ý thức uống hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng mỡ máu cao:

1. Uống trà giảm mỡ máu

Trà xanh, trà atiso là những lựa chọn tuyệt vời để giảm mỡ máu. Chất chống oxy hóa trong trà xanh, đặc biệt là catechin, giúp ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của cholesterol xấu trong máu, hỗ trợ quá trình trao đổi chất hiệu quả. Trà atiso có tác dụng thải độc gan và giảm cholesterol xấu một cách tự nhiên. Uống đều đặn các loại trà này mỗi ngày có thể góp phần cải thiện tình trạng mỡ máu, và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. (1)

2. Uống nhiều nước lọc để hạ mỡ máu

Việc uống đủ nước lọc là yếu tố cơ bản, giúp cơ thể duy trì quá trình trao đổi chất và loại bỏ chất béo thừa. Khi cơ thể đủ nước, chức năng thải độc của gan và thận hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ loại bỏ các chất độc hại, bao gồm cholesterol xấu và triglyceride dư thừa.

Duy trì uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày không chỉ giúp cân bằng mỡ máu mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể, đẹp da và giảm nguy cơ sỏi thận.

3. Uống sữa đậu nành

Sữa đậu nành là nguồn cung cấp protein thực vật dồi dào, không chứa cholesterol. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc thay thế các sản phẩm từ động vật bằng các thực phẩm từ đậu nành có thể giúp giảm mức cholesterol xấu và tổng lượng cholesterol trong máu.

Đậu nành chứa isoflavone, là một chất có khả năng ức chế sự hình thành cholesterol xấu, đồng thời hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, uống sữa đậu nành thường xuyên còn mang đến lợi ích như cân bằng hormone và cải thiện sức khỏe xương khớp.

4. Đồ uống có yến mạch

Yến mạch chứa nhiều chất xơ hòa tan, đặc biệt là beta-glucan, giúp giảm hấp thụ cholesterol trong ruột. Thức uống từ yến mạch hoặc sử dụng yến mạch trong các loại sinh tố là một phương pháp hiệu quả để giảm mỡ máu.

Chất xơ từ yến mạch làm giảm mức cholesterol LDL, giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ béo phì và hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Đây là lựa chọn tuyệt vời dành cho những ai muốn duy trì mỡ máu ở mức an toàn một cách tự nhiên.

5. Uống lá sen khô giảm mỡ máu

Lá sen từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm cả bệnh mỡ máu cao. Các hợp chất có trong lá sen giúp giảm nồng độ cholesterol xấu và ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong động mạch.

Uống trà lá sen khô hàng ngày còn mang đến tác dụng giảm cân và cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều trà lá sen, vì có thể gây tác động tiêu cực đến tiêu hóa.

6. Uống các loại nước ép giảm mỡ máu

Các loại nước ép từ trái cây và rau củ, như nước ép táo, lựu, cà rốt, cam,…chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp cải thiện tình trạng mỡ máu hiệu quả.

Ví dụ, nước ép lựu có khả năng giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, đồng thời bảo vệ động mạch khỏi tình trạng xơ vữa. Nước ép cà rốt kết hợp với táo giúp cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết, thúc đẩy quá trình thải độc và giảm mỡ trong máu một cách tự nhiên.

7. Uống các loại sinh tố giảm mỡ máu

Sinh tố rau xanh và trái cây là sự kết hợp tuyệt vời để kiểm soát mỡ máu. Các loại sinh tố từ cải xoăn, bơ, hoặc rau bina chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp giảm mức cholesterol LDL và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Các loại trái cây như bơ và chuối cũng cung cấp chất béo tốt (omega-3) và kali, giúp cân bằng lipid máu và ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn mạch máu.

8. Uống các loại đồ uống có chứa sterol và stanol

Sterol và stanol là những chất có trong một số loại thực phẩm, đồ uống giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol trong ruột. Những hợp chất này thường có trong sữa, nước ép, hoặc thực phẩm chức năng. Khi được tiêu thụ đúng liều lượng, sterol và stanol có thể giúp giảm đáng kể lượng cholesterol xấu, hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch hiệu quả.

9. Uống rượu vang đỏ giúp giảm mỡ máu

Rượu vang đỏ có chứa resveratrol, một hợp chất chống oxy hóa làm tăng cholesterol tốt và bảo vệ động mạch. Tuy nhiên, rượu vang đỏ chỉ nên uống ở mức độ vừa phải (một ly nhỏ mỗi ngày) để phát huy hiệu quả bảo vệ tim mạch, mà không gây hại cho gan hay gây ra các vấn đề sức khỏe khác.

Trong trường hợp các phương pháp tự nhiên không đạt hiệu quả giảm mỡ máu mong muốn. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm mỡ máu để điều trị kết hợp. Các loại thuốc như statin, fibrat, hay niacin có thể được bác sĩ kê đơn để giảm cholesterol xấu và triglyceride, đồng thời tăng cường cholesterol tốt.

Tuy nhiên, sử dụng thuốc cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên môn. Vì nếu lạm dụng thuốc hoặc sử dụng không đúng liều lượng, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm làm tổn thương gan, cơ bắp, hoặc ảnh hưởng đến chức năng thận.

>> Xem thêm: Uống nước gì để giảm mỡ máu?

Cần làm gì để tăng hiệu quả giảm mỡ máu?

Để tăng hiệu quả giảm mỡ máu, không chỉ đơn thuần dựa vào các loại thức uống hỗ trợ. Người bệnh còn cần phải xây dựng một kế hoạch tổng thể, kết hợp giữa nhiều yếu tố bao gồm:

1. Kết hợp thay đổi lối sống để nhanh cải thiện mỡ máu

Việc giảm mỡ máu đòi hỏi phải có sự thay đổi toàn diện trong lối sống hàng ngày. Các biện pháp thay đổi lối sống bao gồm hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc, ngừng hút thuốc, hạn chế rượu bia,…

Duy trì lối sống lành mạnh sẽ giảm sản sinh cholesterol xấu và triglyceride, đồng thời tăng cường cholesterol tốt. Từ đó giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe tim mạch được tốt hơn.

2. Kết hợp thay đổi khẩu phần ăn giúp giảm mỡ máu

Chế độ ăn uống đóng vai trò cốt lõi trong việc kiểm soát mỡ máu. Để giảm mỡ máu, người bệnh cần ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, chất béo lành mạnh và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.

Nên hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol, chất béo bão hòa và đường tinh luyện như thịt đỏ, đồ chiên rán, bánh kẹo ngọt. Thay vào đó, nên bổ sung cá giàu omega-3, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả, các loại hạt, dầu thực vật không bão hòa… nhằm giảm cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch. (2)

3. Kết hợp tập luyện để tăng hiệu quả trao đổi chất

Tập luyện thể dục đều đặn giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, từ đó hỗ trợ cơ thể tiêu thụ mỡ thừa và giảm mức cholesterol xấu. Các bài tập như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, hoặc yoga đều có thể giúp giảm mỡ máu và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Thời gian tập luyện lý tưởng là khoảng 30-60 phút mỗi ngày, ít nhất 5 lần mỗi tuần. Việc tập luyện đều đặn, không chỉ cải thiện tình trạng mỡ máu cao mà còn giúp giảm cân và ổn định đường huyết.

4. Thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ tư vấn

Theo dõi sức khỏe định kỳ là bước không thể thiếu trong quá trình kiểm soát mỡ máu. Thông qua các buổi thăm khám, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ tình trạng mỡ máu của mình và đưa ra lời khuyên hoặc phác đồ điều trị thích hợp.

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc tư vấn về chế độ ăn uống và tập luyện sao cho phù hợp với thể trạng từng người. Từ đó, giúp người bệnh quản lý chỉ số mỡ máu một cách hiệu quả hơn.

BV Tâm Anh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

SHOP MORE

Fresh & tasty good